Nên mua tay cầm chống rung cơ học hay thiết bị chống rung điện tử?

Đăng ngày : 2024-04-26 17:46:39

Nên mua tay cầm chống rung cơ học (steadicam) hay thiết bị chống rung điện tử (gimbal)?

Đây là vấn đề khá nhiều người quan tâm, nhất là với những bạn đang cần một thiết bị chống rung để quay phim.

Để trả lời cho câu hỏi này, trước hết chúng ta cần phân biệt được: Điểm giống và khác nhau giữa tay cầm chống rung cơ học và thiết bị chống rung điện tử.

1. Giống nhau

Về giống nhau, chắc không cần giải thích nhiều, những ai quan tâm tới lĩnh vực làm phim – video cũng hiểu nôm na: Cả hai thiết bị kể trên đều có cùng một chức năng là giữ cho camera được cân bằng, ổn định, làm “mượt” các chuyển động để hình ảnh sắc nét và dễ xem hơn.

Chức năng là giống nhau nhưng tay hai loại thiết bị này lại có cấu tạo và nguyên lý hoạt động khác nhau. Chúng ta cùng xem phần so sánh ngắn dưới đây:

2. Khác nhau

Tay cầm chống rung cơ học – Steadicam

  • Cấu tạo khá đơn giản, toàn bộ bằng cơ khí.
  • Hoạt động theo nguyên lý đối trọng, sử dụng tạ rời để cân bằng.

Thiết bị chống rung điện tử

  • Cấu tạo phức tạp với các bo mạch điện tử và mô tơ.
  • Chống rung điện tử. Thiết bị tự cân bằng linh hoạt thông qua các trục có gắn mô tơ và được lập trình bằng phần mềm.

3. So sánh ưu – nhược điểm của 2 loại thiết bị

Đầu tiên là về hiệu năng

Có thể khẳng định thiết bị chống rung điện tử có hiệu năng chống rung chuẩn xác cao hơn so với tay cầm chống rung cơ học.

Mời bạn xem video test dưới đây:

Tay cầm chống rung cơ học (steadicam) ngay cả khi đã được cân bằng rất chuẩn xác thì camera vẫn bị nghiêng – láng khi đột ngột thay đổi các chuyển động. Trong khi thiết bị chống rung điện tử vẫn giữ được sự ổn định với bất kỳ kiểu chuyển động nào.

Tính tiện lợi

Như video bạn xem ở trên, thời gian cân bằng thiết bị trên chiếc tay cầm chống rung cơ học lâu gấp 3 lần so với thiết bị chống rung điện tử. Đó là với chiếc steadicam khá “xịn”, thực tế với những tay cầm chống rung cơ học thông thường, quá trình này có thể còn mất nhiều thời gian hơn.

Không những vậy, thao tác cân bằng camera trên tay cầm chống rung cơ học còn phụ thuộc vào kỹ năng của từng người. Một người mới tiếp cận có thể sẽ mất cả tuần chỉ để mày mò cách cân bằng steadicam.

Cậu bạn của mình từng phải “bán tháo” một chiếc steadicam vì không thể sử dụng nổi sau 2 tuần mua về.

 Tóm lại, xét về tính tiện lợi, thiết bị chống rung điện tử ăn đứt tay cầm chống rung cơ học.

 

Thiết bị chống rung điện tử có thể mang theo và sử dụng nhanh chóng ở bất cứ nơi đâu

Sử dụng

Cách sử dụng các thiết bị chống rung điện tử khá đơn giản. Hầu như ai cũng có thể làm chủ thiết bị sau vài phút làm quen. Trong khi đó, tay cầm chống rung cơ học cần có sự khéo léo và phải có thời gian luyện tập để đạt hiệu quả cao.

Ví dụ như những tay chạy steadicam chuyên nghiệp thường bước chân kiểu ninja và tập trung cao độ khi tác nghiệp.

Bên cạnh đó, tay cầm chống rung cơ học sử dụng tạ rời để cân bằng khiến trọng lượng nặng hơn. Có những chiếc steadicam nặng tới gần chục kg. Do đó, sử dụng tay cầm chống rung (steadicam) sẽ vất vả hơn so với các thiết bị chống rung điện tử.

Ngoài ra, thiết bị chống rung điện tử có nhiều tính năng hiện đại hơn, đem lại trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Tải trọng

 

Tay cầm chống rung cơ học hay các loại steadicam hoạt động theo nguyên lý đối trọng bằng tạ nên có tải trọng rất cao. Nó có thể “cân” được những chiếc camera nặng hàng chục kg. Tuy nhiên, tải trọng sẽ tỷ lệ thuận với trọng lượng của thiết bị đó. Tức tải trọng tăng thì trọng lượng thiết bị cũng tăng.

Trong khi đó, thiết bị chống rung điện tử chỉ hoạt động được với các dòng camera nhỏ gọn.

Độ bền

Đây cũng là một điểm mà thiết bị chống rung điện tử yếu thế hơn. Do có cấu tạo phức tạp với nhiều linh kiện điện tử và mô tơ rất nhỏ và phải có điện để hoạt động nên thiết bị chống rung điện tử dễ hỏng hóc nếu bị va đập hoặc ngấm nước.

Trái lại, tay cầm chống rung cơ học do được cấu tạo hoàn toàn bằng cơ khí nên có thể “quăng quật” hoặc dầm mưa thỏa mái mà không sợ hỏng hóc.

Giá tiền

Tay cầm chống rung cơ học có ưu thế giá rẻ hơn thiết bị chống rung điện tử.

4. Nên mua tay cầm chống rung cơ học hay thiết bị chống rung điện tử?

Đọc đến đây chắc bạn cũng đã tự có câu trả lời.

 

Tay cầm chống rung (Steadicam) sẽ phù hợp với những chiếc máy quay chuyên nghiệp có trọng lượng lớn (4-5 kg trở lên). Đây cũng là giải pháp để tiết kiệm ngân sách.

Ngược lại nếu bạn sử dụng những chiếc camera nhỏ như microless, smartphone, Gopro… nên chọn thiết bị chống rung điện tử. Thiết bị này rất gọn nhẹ nên có tính cơ động cao, dễ sử dụng và cho hiệu năng chống rung tuyệt vời.

Trên thị trường hiện cũng bán rất nhiều loại tay cầm chống rung cơ học dành cho camera nhỏ và smartphone. Tuy nhiên như mình đã nói ở trên các thiết bị này không dễ sử dụng. Đặc biệt với smartphone có trọng lượng nhẹ thì việc cân bằng lại càng khó khăn hơn (đòi hỏi độ chính xác cao hơn).



CÔNG TY THIẾT KẾ WEBSITE CHUYÊN NGHIỆP

Kết nối với chúng tôi